TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG
HỖ TRỢ TRẺ EM THAM DỰ LỚP HỌC PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CHO TRẺ TỰ KỶ TẠI CỘNG ĐỒNG NĂM 2019
Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục Hừng Đông thực hiện dự án “Hỗ trợ trẻ em tham dự lớp học phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ tại cộng đồng” năm 2019. Dự án được xây dựng với mục tiêu hỗ trợ, giúp đỡ và chia sẻ với trẻ tự kỷ và gia đình có trẻ tự kỷ, đặc biệt là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện cho trẻ phát triển và rèn luyện các kỹ năng giao tiếp và tương tác xã hội ngay tại cộng đồng…dưới sự hướng dẫn, giám sát của các đội ngũ những người có kinh nghiệm làm việc lâu năm với trẻ tự kỷ.
Dự án “Hỗ trợ trẻ em tham dự lớp học phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ tại cộng đồng” bắt đầu từ tháng 9/2019 đến tháng 12/2019. Trong phạm vi của dự án, tại Hà Nội, có 25 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, được chẩn đoán tự kỷ tham gia vào dự án. Các trẻ tham gia dự án có độ tuổi trung bình là 6,08 (từ 3 đến 14 tuổi), trong đó, có 23 trẻ trai (chiếm 92%) và 2 trẻ gái (chiếm 8%).
Sau quá trình tuyển chọn, ban tổ chức chọn ra được 25 bạn kỹ thuật viên. Năm nay, trong số các bạn kỹ thuật viên, có 29,17% có trình độ cử nhân, 66,67% đang là sinh viên các trường đại học, 4,17% là cán bộ nghỉ hưu.
Trước khi trẻ tham gia vào dự án các chuyên gia sẽ đánh giá, chẩn đoán các mức độ tâm bệnh của trẻ tự kỷ được thực hiện một cách kỹ lưỡng, tỉ mỉ bởi các chuyên gia về đánh giá, chẩn đoán. Việc đánh giá kéo dài khoảng 2 giờ bao gồm thu thập thông tin từ phụ huynh, quan sát hành vi của trẻ, tương tác với trẻ thông qua các bài được thiết kế sẵn, và cuối cùng là thực hiện các trắc nghiệm đánh giá.
Trắc nghiệm đánh giá được thu thập, tập hợp, dịch và thích nghi để sử dụng phù hợp với mục đích của hoạt động. Bốn trắc nghiệm được sử dụng bao gồm: CARS (Thang đánh giá tự kỷ cho trẻ nhỏ); ABC (Bảng kiểm hành vi sai lệch); Vineland-II (Thang đo hành vi thích nghi); Thang đo kỹ năng xã hội; DBC-P (Bảng kiểm hành vi phát triển trẻ em).
Tiếp đến, để có thể xây dựng được chương trình can thiệp cho trẻ trong hoạt động “Hỗ trợ trẻ em tham dự lớp học phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ tại cộng đồng”, chương trình như sau để can thiệp bao gồm các chương trình: Chương trình can thiệp sớm Denver (ESDM); Những hoạt động dạy trẻ tự kỷ (TEACCH); Chương trình từng bước nhỏ; Chương trình kỹ năng xã hội dành cho trẻ tự kỷ. Đây là những chương trình phù hợp và hiệu quả với trẻ tự kỷ, có những bằng chứng khoa học đã chứng minh điều đó.
Các bạn kỹ thuật viên tham gia dự án được đào tạo 4 buổi lý thuyết, bao gồm: Nguyên lý chung về trẻ tự kỷ, Quản lý hành vi, Xây dựng và thiết lập mối quan hệ ban đầu với trẻ rối loạn phổ tự kỷ, Thiết lập mối quan hệ với trẻ tự kỷ thông qua chơi, Kế hoạch can thiệp cá nhân cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Mặc dù là những kiến thức nên tảng và cơ bản nhưng ban tổ chức nhận được nhiều phản hồi tích cực từ kỹ thuật viên, có đến 80% KTV cảm thấy hài lòng về nội dung tập huấn. Những kiến thức để có thể làm việc với trẻ còn rất nhiều, nhưng trong khuôn khổ của hoạt động này thì những chủ đề trên rất thiết thực và phù hợp.
Dự án “Hỗ trợ trẻ em tham dự lớp học phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ tại cộng đồng” không chỉ có những buổi tập huấn dành cho các bạn kỹ thuật viên, mà dự án có những buổi tập huấn dành cho phụ huynh. Các chủ đề tập huấn cho phụ huynh bao gồm: Tổng quan về tự kỷ, kiến thức, nghiên cứu và can thiệp; Quản lý hành vi; Điều hòa cảm giác. Với lượng kiến thức được tập huấn chưa nhiều, nhưng nhiều phụ huynh cảm thấy hài lòng bởi họ cảm thấy hài lòng bởi được sự chia sẽ cùng những chủ đề cùng kỹ thuật viên để có thể hỗ trợ cho con mình.
Ngoài các buổi tập huấn dành cho kỹ thuật viên, dự án tổ chức các buổi giám sát nhóm và giám sát cá nhân. Những thắc mắc, băn khoăn sau khi đến can thiệp cho trẻ đều được các giám sát và ban tổ chức của hoạt động phối hợp giải quyết
Hoạt động năm 2019 có đổi mới hơn so với năm 2017, đó là thay vì việc kỹ thuật viên đến nhà dạy trẻ, thì phụ huynh sẽ đưa trẻ đến trung tâm. Kỹ thuật viên và trẻ sẽ được hỗ trợ thêm về đồ chơi đồ dùng cho trẻ. Những đồ dùng đồ chơi, dụng cụ phục vụ việc học được sử dụng một cách luân phiên đến các trẻ và phù hợp với mục tiêu học của trẻ.
Sau quá trình hoạt động, có phụ huynh nói rằng “Dự án rất có ích cho xã hội, đặc biệt với những gia đình có con em mắc chứng tự kỷ. Dự án đã giúp cho phụ huynh có những hiểu biết về đúng bệnh của con em và hướng dẫn gia đình can thiệp cho con em mình. Dự án động viên tinh thần rất nhiều cho những phụ huynh có con bị tự kỷ”. 100% gia đình và kỹ thuật viên đều cho rằng dự án hữu ích. 100% phụ huynh mong muốn tham gia tiếp vào năm sau. 92% KTV chắc chắn sẽ tham gia dự án vào năm sau, 8% nói rằng sẽ tham gia nếu có thời gian.
Kết quả cụ thể được thể hiện như sau:
Đối với trẻ: Hoạt động này giúp trẻ có cơ hội nâng cao nhận thức, kỹ năng. Khi sử dụng thang do Vineland, nhận thấy các lĩnh vực giao tiếp, kỹ năng sống, xã hội hóa và kỹ năng vận động đều được cải thiện, đặc biệt lĩnh vực giao tiếp là lĩnh vực có nhiều tiến bộ nhất. Hoạt động của dự án giúp trẻ có cơ hội tiếp cận/thích nghi được với nhiều môi trường khác nhau và giao tiếp được với nhiều người hơn.
Đối với gia đình của trẻ: Giúp cha mẹ nâng cao hơn kiến thức, kỹ năng khi làm việc với con, phối hợp với kỹ thuật viên để có thể hỗ trợ/dạy con được tốt hơn. Đồng thời, giảm bớt gánh nặng cho gia đình, nhất là với những trẻ cần được hướng dẫn và dạy dỗ liên tục trong các hoạt động của cuộc sống.
Đối với cộng đồng: Hoạt động giúp cho nhiều người hiểu đúng hơn về trẻ tự kỷ, quan tâm và đồng cảm hơn. Trẻ có điều kiện được hòa nhập môi trường xung quanh mà không bị kỳ thị.
Đối với giới chuyên môn: Đây là cơ hội để trải nghiệm, nâng cao kiến thức về những hoạt động cho trẻ tự kỷ tại cộng đồng. Có những nghiên cứu mới về đánh giá hiệu quả và tính thực tiễn của hoạt động đối với cộng đồng xã hội.
Lưu Ngọc Chinh
Cán bộ dự án