Bố mẹ có thể làm gì trước khi đưa con đi đánh giá, chẩn đoán? (phần 2)

Ngày 23-2-2017
  Để việc đánh giá hiệu quả hơn, tránh lãng phí thời gian, bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ có thể chuẩn bị một số thông tin. Những thông tin này có thể chính bố mẹ, người chăm sóc đã trải nghiệm, có thể hỏi người thân trong gia đình, hoặc xem lại các hồ sơ, giấy tờ, các ảnh, video về trẻ.

Bố mẹ có thể làm gì trước khi đưa con đi đánh giá, chẩn đoán? Phần 2 – Những thông tin mà bố mẹ nên chuẩn bị.

  Tại nơi đánh giá, bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ sẽ “bị” hỏi rất nhiều câu, từ những thông tin cơ bản như ngày tháng năm sinh cho đến những câu hỏi phức tạp, trúc trắc về cuộc sống nội tâm của trẻ, thậm chí cả những thông tin riêng tư của gia đình, cách nuôi dạy con cái, mối quan hệ trong gia đình, tính cách của mỗi người, v.v. Người đánh giá không thực sự quan tâm đến bản thân bố mẹ hay gia đình trẻ, tất cả thông tin chỉ nhằm làm sáng tỏ bức tranh rõ nhất về trẻ, bao gồm cả lịch sử mang thai, lớn lên, các mốc phát triển, việc nuôi dạy, ứng xử, giao tiếp trong gia đình, v.v.

Một số thông tin bố mẹ nên chuẩn bị để buổi đánh giá diễn ra nhanh chóng, thuận lợi. Bố mẹ hoặc người chăm sóc có thể ghi ra sổ hoặc lưu lại trong đầu, chuẩn bị trả lời người đánh giá. Cụ thể là:
- Những thông tin cá nhân (họ tên, ngày tháng năm sinh, tên gọi ở nhà….) của trẻ và các thành viên gia đình; 
- Tất cả những lý do khiến bố mẹ lo lắng về con và đưa con đi đánh giá; 
- Tuổi của bố mẹ lúc sinh con, nghề nghiệp của bố mẹ, đặc điểm phát triển lúc bé của bố mẹ, tính cách hiện tại;
- Vấn đề bệnh tật của gia đình cũng như họ hàng;
- Quá trình có thai, mang thai, sinh nở, số tuần, cân nặng, cách thức đứa trẻ lọt lòng mẹ;
- Việc chăm sóc, nuôi dạy từ bé, người nuôi dạy, mức độ xem tivi, điện thoại, máy tính, youtube;
- Đặc điểm phát triển từ khi sinh cho đến hiện tại;
- Đặc điểm giao tiếp, tương tác xã hội;
- Đặc điểm ngôn ngữ của trẻ;
- Đặc điểm hành vi và sở thích chơi của trẻ;
- Đặc điểm quan hệ bạn bè, chơi với bạn; 
- Các bệnh thực thể mà trẻ gặp phải;
- Đặc điểm ăn uống, giấc ngủ, sinh hoạt;
- Nếu trẻ đã đi học (mẫu giáo, tiểu học…) thì khả năng học tập, thích nghi, hành vi trong lớp học thế nào…?

Tin đã đăng