Cùng hiểu về Stress lứa tuổi Vị thành niên

Cùng hiểu về Stress lứa tuổi Vị thành niên
1. Stress là gì?
Stress ở trẻ vị thành niên là sự phản ứng thông qua thể chất, tinh thần, hoặc tình cảm của cơ thể con người với các tác nhân gây ra căng thẳng từ bên ngoài.
Stress có nguồn gốc từ tiếng Latinh là “strictia” bởi từ gốc “strictus” và một phần của từ “stringere” nghĩa là kéo căng, nghịch cảnh, bất hạnh và đè nén. Trong tiếng Anh, stress có nghĩa là nhấn mạnh. Thuật ngữ này dùng trong vật lý học để chỉ sức nén mà vật liệu phải chịu, sau đó W.B.Cannon (1994) sử dụng trong sinh lý học. Ban đầu, nó dùng để chỉ phản ứng bình thường của cơ thể đối với bất cứ tác động có hại nào. Sau đó, stress được sử dụng để miêu tả các trạng thái của cá nhân đối với các điều kiện bên ngoài ở các mức độ sinh lý, tâm lý và hành vi.
2. Các triệu chứng của stress ở thanh thiếu niên
Những biểu hiện và triệu chứng phổ biến chung. Càng có nhiều biểu hiện thì mức độ stress càng nặng. Các triệu chứng của stress bao gồm:
*Các biểu hiện về nhận thức:
- Gặp khó khăn trong các quá trình trí nhớ
- Không thể tập trung
- Khả năng đánh giá, nhận định kém
- Tư duy chậm hoặc không muốn tư duy
- Có nhiều suy nghĩ lo âu
- Ý nghĩ quanh quẩn
- Hồi tưởng lại những điều buồn phiền gần đây
- Cảm thấy mất lòng tin, hay nghi ngờ
- Chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực của mọi vấn đề, đánh giá cao khó khăn, đánh giá thấp bản thân
- Không có khả năng đưa ra quyết định.
*Các biểu hiện về cảm xúc:
- Ủ rũ, buồn rầu, dễ xúc động
- Cáu kỉnh, dễ nổi nóng
- Bức bối, không xoa dịu được căng thẳng- Dễ bị lây lan tình cảm theo hướng tiêu cực
- Cảm thấy cô độc, bị cô lập và dễ bị tổn thương
- Thay đổi cảm xúc nhanh chóng
- Cảm thấy vô vọng
- Tự đổ lỗi cho bản thân
- Mất phương hướng
- Bồn chồn, lo lắng, sợ hãi.
*Biểu hiện sinh lý:
- Đau đầu, đau dạ dày, đau nửa đầu
- Đau ngực, tim đập nhanh
- Bị tiêu chảy hoặc táo bón
- Buồn non, chóng mặt
- Giảm hứng thú tình dục
- Ăn không ngon miệng
- Toát mồ hôi
- Thường xuyên ớn lạnh, run rẩy
- Thường xuyên mệt mỏi
*Biểu hiện hành vi:
- Ăn quá nhiều hoặc quá ít
- Ngủ quá nhiều hoặc ngủ quá ít
- Giảm hứng thú với các hoạt động
- Nói năng không rõ ràng, khó hiểu
- Nói liên tục về một sự việc, hay phóng đại sự việc
- Hay tranh luận quá khích
- Thu mình, không muốn tiếp xúc với người khác.
3. Mức độ và biểu hiện của stress trên thanh thiếu niên
a, Mức độ stress của thanh thiếu niên:
Stress của thanh thiếu niên được chia thành nhiều mức độ khác nhau. Các mức độ stress được thể hiện qua các mức độ như: bình thường, nhẹ, vừa, nặng và rất nặng.
+ Ở mức độ bình thường, các triệu chứng dường như chưa được xuất hiện, cuộc sống của chủ thể vẫn được cân bằng và không bị ảnh hưởng. Đối với mức độ nhẹ, stress được thể hiện qua một vài biểu hiện nhưng nó không ảnh hưởng quá mức tới đời sống sinh hoạt.
+ Mức độ vừa là mức độ stress thường gặp nhiều nhất, nếu stress ở mức độ này kéo dài quá 4 – 8 tiếng có thể khiến bản thân cảm thấy mệt mỏi và xuất hiện nhiều triệu chứng khác.
+ Mức độ nặng và rất nặng, các triệu chứng sẽ được thể hiện rõ ràng hơn, người bị stress sẽ thay đổi cách ứng xử, xuất hiện các hành vi không phù hợp và nên được hỗ trợ và can thiệp ngay.
4. Ảnh hưởng của stress tới thanh thiếu niên
Stress có nhiều mức độ khác nhau, sự ảnh hưởng của nó cũng biểu hiện vô cùng đa dạng và phức tạp tới chất lượng đời sống và hoạt động của con người. Stress có thể phá vỡ sự cân bằng của cơ thể, dẫn đến các rối loạn về tâm lý và những rối loạn chức năng sinh lý, sinh hoá của cơ thể, gây nên nhiều bệnh dai dẳng và nguy hiểm như bệnh đường máu, bệnh tim mạch, tiểu đường, rối loạn tiêu hoá ảnh hưởng đến hoạt động và chất lượng cuộc sống của con người. Nó còn làm ảnh hưởng đến các chi phí khi stress đã bị đến mức độ nặng và phải nhập viện để chăm sóc sức khoẻ.
Ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của chủ thể, stress còn làm ảnh hưởng đến các yếu tố như:
Trường học: Kết quả học tập xa xút, mất tập trung, căng thẳng trong giờ học, khả năng ghi nhớ suy giảm, gây ra chán nản, mệt mỏi khi tham gia học tập.
Bạn bè: Khó chia sẻ, kết nối, dễ phát sinh mâu thuẫn với bạn bè do khó kiềm chế cảm xúc và hành vi dẫn đến các bạn né tránh, không muốn chơi cùng.
Gia đình: Tỏ ra bực bội, khó chịu với những gì không vừa ý mình, gây ra sự hiểu lầm với bố mẹ, anh/chị/em, dễ làm bầu không khí ở gia đình trở nên căng thẳng, rạn nứt mối quan hệ thân thiết với họ hàng.
Các mối quan hệ xung quanh: Khó chịu, cọc cằn, dễ nổi nóng, dễ xảy ra mâu thuẫn, cãi cọ, cảm thấy khó chịu vì những lỗi nhỏ, môi trường làm việc trở nên căng thẳng, nặng nề.
Tác giả bài viết: Cán bộ tâm lý: Nguyễn Thế Quỳnh
Chịu trách nhiệm nội dung: ThS Vũ Văn Thuấn
Tin liên quan
Tin đã đăng
- Trung tâm Hừng Đông cơ sở Thanh Hoa tiếp nhận sinh viên Khoa Tâm lý học - Học viện Phụ nữ Việt Nam đến kiến tập đợt 1 năm 2025
- Gen Z – Thế hệ công nghệ số và những thách thức cần được quan tâm
- Trung tâm Hừng Đông – Cơ sở Thanh Hoa chuyển địa chỉ: Hướng tới môi trường phát triển toàn diện cho trẻ
- Trêu trọc học đường - Mặt trái của sự vui vẻ?
- Kết nối với các trường mầm non trong khu vực sàng lọc miễn phí cho trẻ có rối loạn phát triển