Điều gì gây ra tự kỉ?

Ngày 14-10-2022
Từ lâu các nhà khoa học đã nhận ra ảnh hưởng của các yếu tố di truyền trong việc gia tăng nguy cơ rối loạn phổ tự kỉ ở trẻ. 

Nguyên nhân trực tiếp gây ra rối loạn phổ tự kỉ vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy rằng rối loạn phổ tự kỉ phát triển do sự kết hợp của các yếu tố từ di truyền, sinh học và môi trường, những ảnh hưởng này dường như làm gia tăng nguy cơ trẻ có rối loạn phổ tự kỉ. Dù vậy, cần lưu ý rằng đây là các yếu tố nguy cơ chứ không phải là nguyên nhân. Ngoài ra, bài viết cũng cung cấp thông tin về một số nguyên nhân giả/sai lầm về nguyên nhân tự kỉ, cũng như yếu tố có thể làm giảm nguy cơ tự kỉ ở trẻ.

1️⃣ Các yếu tố nguy cơ của rối loạn phổ tự kỉ

📌 Vấn đề di truyền:

Nguy cơ nhận chẩn đoán có rối loạn phổ tự kỉ ở anh/chị/em của trẻ có tự kỉ là 2% - 8%. Nếu chỉ tính 1 hoặc 2 trong 3 suy yếu cốt lõi của tự kỉ (ngôn ngữ, giao tiếp và hành vi sở thích định hình) thì tỉ lệ có thể lên tới 12% - 20% (Chaste và cộng sự, 2022).

Ngoài ra, tỷ lệ mắc rối loạn phổ tự kỉ ở những cặp song sinh cùng trứng cao hơn so với những cặp song sinh khác trứng (Geetha, 2019; Sandin, 2014; Lichtenstein, 2010; Rosenberg, 2009).

Các bằng chứng cũng chỉ ra rằng đặc điểm tính cách giống như tự kỉ, như kiểu giao tiếp không điển hình/bất thường, và kiểu tính cách xa cách thường đồng thời xuất hiện trong các thành viên gia đình của những cá nhân có RLPTK nhiều hơn trong dân số chung (Murphy và cộng sự, 2000)

📌 Độ tuổi của cha mẹ khi sinh con:

Mối liên hệ giữa độ tuổi của cha mẹ khi sinh con và nguy cơ gia tăng rối loạn phổ tự kỉ ở trẻ được giải thích bởi khả năng có nhiều đột biến di truyền hơn trong giao tử của người cha và người mẹ lớn tuổi; cũng như môi trường trong tử cung kém thuận lợi hơn ở những người mẹ lớn tuổi dễ gặp nhiều tai biến sản khoa (Balachandar, 2021; Hadjkacem, 2016; Zhang, 2010). Tuy nhiên, nghiên cứu trước đó công bố vào năm 2005 trên dữ liệu của 698 trẻ sinh từ năm 1973 cho đến 1994 có chẩn đoán với RLPTK lại cho thấy rằng tuổi của bố cao hơn và mẹ thấp hơn (mẹ ≤ 20 tuổi, cha ≥ 35 tuổi) cũng được phát hiện có liên quan với nguy cơ mắc tự kỉ (Larsson và cộng sự, 2005).

📌 Tiếp xúc với các hoá chất độc hại:

Trong các mô hình nghiên cứu trên động vật và người, một số hoá chất độc hại đã được xác định là có liên quan đến rối loạn phổ tự kỉ, hay các nét và dấu ấn sinh học liên quan đến tự kỉ. Cụ thể, họ đã phát hiện ra rằng việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí (mức độ thường thấy ở các thành phố lớn) trong thời kì mang thai và sơ sinh có liên quan đến tự kỉ.

Một số nghiên cứu cho thấy rằng, giai đoạn thai kì tiếp xúc với một số loại thuốc trừ sâu gây rối loạn nội tiết và gây độc thần kinh bao gồm organochlorines, organophosphates, và pyrethroids làm tăng nguy cơ chẩn đoán tự kỉ và các hành vi liên quan đến tự kỉ ở trẻ em. Hoá chất khác gồm phthalates - loại hoá chất dùng để làm cho nhựa dẻo hơn và khó bị vỡ hơn.

Bằng chứng thuyết phục khác cũng nhấn mạnh sự tương tác giữa tính nhạy cảm của gen với các hoá chất độc hại như một nguyên nhân chính gây ra tự kỉ. Các nhà nghiên cứu đã phân tích 206 gen từ cơ sở dữ liệu về gen đã ghi lại hoạt động của hơn 10.000 hoá chất trên gen và đường đi của gen. Kết quả phát hiện ra 4428 hoá chất tương tác với một hoặc nhiều gen có liên quan đến tự kỉ. Ngoài ra, các biến thể di truyền hiếm gặp có ảnh hưởng mạnh mẽ đến chẩn đoán RLPTK đã được chứng minh là có nhiễu loạn sinh học lớn hơn khi có phơi nhiễm/tiếp xúc với hoá chất độc hại trong các nghiên cứu ống nghiệm (Volk và cộng sự, 2022).

📌  Yếu tố khác:

Bên cạnh các yếu tố tiếp xúc với chất độc hại, chất ô nhiễm môi trường, thuốc men, phụ gia thực phẩm, trường điện từ thì thậm chí sự ảnh hưởng của các xu hướng tiêu dùng (như béo phì trước mang thai, sử dụng nhiều thiết bị không dây) và quan niệm xã hội (như khoảng cách ngắn giữa những lần mang thai) cũng được bao gồm vào các yếu tố nguy cơ của tự kỉ (Rusu và cộng sự, 2015)

2️⃣ Những hiểu lầm về nguyên nhân của rối loạn phổ tự kỉ

📌 Cách nuôi dạy của cha mẹ: Xuất phát từ lý thuyết “người mẹ lạnh lùng” từ những năm 1950, và đây là điều hoàn toàn sai. Tự kỉ là dạng rối loạn bẩm sinh, nguyên nhân chính chưa được xác định, và phần lớn các nghiên cứu đã chứng minh rằng nó là do sự kết hợp phức tạp giữa yếu tố gen và môi trường

📌 Xem ti vi, điện thoại: Xem tivi, điện thoại nhiều chỉ làm cho các biểu hiện trở nên rõ ràng hơn, không phải nguyên nhân gây rối loạn

📌 Vắc-xin: Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu sâu rộng trong hai thập kỷ qua để xác định xem liệu có mối liên hệ nào giữa việc tiêm phòng ở trẻ em và rối loạn phổ tự kỉ hay không. Kết quả của nghiên cứu này rất rõ ràng: Vắc xin không gây ra rối loạn phổ tự kỉ (Taylor, 2014; DeStefano, 2013)

3️⃣ Một số yếu tố làm giảm nguy cơ trẻ mắc rối loạn phổ tự kỉ

📌 Một số yếu tố môi trường cũng có thể làm giảm xác suất mắc tự kỉ, ví dụ: folate (B9) – 1 loại vitamin liên quan đến quá trình sản xuất và methyl hoá DNA (methyl hoá có thể thay đổi hoạt động của 1 đoạn DNA mà không làm thay đổi trình tự), đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển thần kinh. Bổ sung axit folic ở mức độ thích hợp vào khoảng thời gian thụ thai có tác dụng bảo vệ khỏi tự kỉ và có thể cải thiện tác động của các hóa chất độc hại (Goodrich và cộng sự, 2018; Schmidt và cộng sự, 2017)

📌 Từ lâu các nhà khoa học đã nhận ra ảnh hưởng của các yếu tố di truyền trong việc gia tăng nguy cơ rối loạn phổ tự kỉ ở trẻ. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng nghiên cứu ngày nay đã chỉ ra rằng các yếu tố môi trường có thể phối hợp hoạt động với con đường di truyền hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường trong tử cung. Đồng thời, sự tương tác giữa các biến thể gen và yếu tố môi trường cũng được nhìn nhận bởi ngay cả khi các gen di truyền được cố định lúc thụ thai thì các yếu tố môi trường vẫn sẽ thay đổi theo thời gian, địa điểm và có thể sửa đổi được. Chính vì vậy, các yếu tố môi trường đang dần được thừa nhận và được nghiên cứu rộng rãi như một yếu tố không dễ tách rời khỏi di truyền.❤️

--------

Tác giả: PGS.TS. Trần Văn Công – CN. Lê Anh Đức (B29/22)

-------

Tài liệu tham khảo

1. Balachandar, V., Bharathi, G., Jayaramayya, K., Venugopal, A., Mahalaxmi, I., Narayanasamy, A., ... & Subramaniam, M. D. (2021). Autism spectrum disorder (ASD)-a case-control study to investigate the prenatal, perinatal and neonatal factors in Indian Population. Brain Disorders, 4, 100024.

2. Chaste, P., & Leboyer, M. (2022). Autism risk factors: genes, environment, and gene-environment interactions. Dialogues in clinical neuroscience.

3. DeStefano, F., Price, C. S., & Weintraub, E. S. (2013). Increasing Exposure to Antibody-Stimulating Proteins and Polysaccharides in Vaccines Is Not Associated with Risk of Autism. The Journal of Pediatrics, 163(2), 561–567. doi:10.1016/j.jpeds.2013.02.001

4. Geetha, B., Sukumar, C., Dhivyadeepa, E., Reddy, J. K., & Balachandar, V. (2019). Autism in India: a case–control study to understand the association between socio-economic and environmental risk factors. Acta Neurologica Belgica, 119(3), 393-401.

5. Goodrich, A. J., Volk, H. E., Tancredi, D. J., McConnell, R., Lurmann, F. W., Hansen, R. L., & Schmidt, R. J. (2018). Joint effects of prenatal air pollutant exposure and maternal folic acid supplementation on risk of autism spectrum disorder. Autism Research, 11(1), 69-80.

6. Hadjkacem, I., Ayadi, H., Turki, M., Yaich, S., Khemekhem, K., Walha, A., ... & Ghribi, F. (2016). Prenatal, perinatal and postnatal factors associated with autism spectrum disorder. Jornal de pediatria, 92, 595-601.

7. Larsson, H. J., Eaton, W. W., Madsen, K. M., Vestergaard, M., Olesen, A. V., Agerbo, E., ... & Mortensen, P. B. 2005. Risk factors for autism: perinatal factors, parental psychiatric history, and socioeconomic status. American journal of epidemiology, 161(10), 916-925.

8. Lichtenstein, P., Carlström, E., Råstam, M., Gillberg, C., & Anckarsäter, H. (2010). The genetics of autism spectrum disorders and related neuropsychiatric disorders in childhood. American Journal of Psychiatry, 167(11), 1357-1363

9. Murphy, M., Bolton, P. F., Pickles, A., Fombonne, E., Piven, J., & Rutter, M. 2000. Personality traits of the relatives of autistic probands. Psychological medicine, 30(6), 1411-1424

10. Rosenberg, R. E., Law, J. K., Yenokyan, G., McGready, J., Kaufmann, W. E., & Law, P. A. (2009). Characteristics and Concordance of Autism Spectrum Disorders Among 277 Twin Pairs. Archives of Pediatrics & Adolescent Medicine, 163(10), 907. doi:10.1001/archpediatrics.2009.98

11. Rusu, C., Preda, C., Sireteanu, A., & Vulpoi, C. 2015. Risk factors in autism spectrum disorders: the role of genetic, epigenetic, immune and environmental interactions. Environmental Engineering & Management Journal (EEMJ), 14(4).

12. Sandin, S., Lichtenstein, P., Kuja-Halkola, R., Larsson, H., Hultman, C. M., & Reichenberg, A. (2014). The familial risk of autism. Jama, 311(17), 1770-1777.

13. Schmidt, R. J., Kogan, V., Shelton, J. F., Delwiche, L., Hansen, R. L., Ozonoff, S., ... & Volk, H. E. (2017). Combined prenatal pesticide exposure and folic acid intake in relation to autism spectrum disorder. Environmental health perspectives, 125(9), 097007.

14. Taylor, L. E., Swerdfeger, A. L., & Eslick, G. D. (2014). Vaccines are not associated with autism: an evidence-based meta-analysis of case-control and cohort studies. Vaccine, 32(29), 3623-3629.

15. Volk, H. E., Ames, J. L., Chen, A., Fallin, M. D., Hertz-Picciotto, I., Halladay, A., ... & Swanson, M. (2022). Considering toxic chemicals in the etiology of autism. Pediatrics, 149(1).

16. Zhang, X., Lv, C. C., Tian, J., Miao, R. J., Xi, W., Hertz-Picciotto, I., & Qi, L. (2010). Prenatal and perinatal risk factors for autism in China. Journal of autism and developmental disorders, 40(11), 1311-1321.

 Bài viết được trích trên trang: https://www.facebook.com/chongchongsacmau

Tin liên quan

Tin đã đăng