Phần 7 mục 7.1 Hỗ trợ trẻ em rối loạn phổ tự kỉ thời kì ấu thơ

Ngày 9-8-2021
Cuối năm đầu đời đầu tiên: trẻ có độ cao trung bình là 75-79cm, tăng 50% so với lúc sinh và cuối năm thứ hai chiều cao trung bình của trẻ tăng khoảng 75% so với lúc sinh. Sự thay đổi trọng lượng và chiều cao của trẻ diễn ra một cách nhanh chóng trong 2 năm đầu đời

Phần 7 mục 7.1. Hỗ trợ trẻ em rối loạn phổ tự kỉ thời kì ấu thơ

 

1. Đặc điểm tâm lý trẻ em rối loạn phổ tự kỉ tuổi ấu thơ

1.1. Đặc điểm thể chất và vận động

- Sự phát triển vận động của trẻ bao gồm cả vận động thô và vận động tinh.

+ Vận động thô gồm các hoạt động như: bò, đứng, đi, ...

+ Vận động tinh gồm các hoạt động như: với, cầm, nắm, phối hợp tay mắt.

- Từ khoảng 7-12 tháng tuổi: trẻ đã có thể tự ngồi vững, bò và đi, nhặt đồ vật bằng ngón tay cái và ngón tay trỏ

- Từ 13-18 tháng tuổi: trẻ đạt được sự tăng trưởng nhanh chóng về chiều cao và cân nặng nhưng không nhanh như giai đoạn trước 1 tuổi.

- Khoảng 19-24 tháng tuổi: não bộ đã phát triển bằng 70% trọng lượng não của người trưởng thành. Trẻ đã có thể leo trèo, chạy nhảy

- Cuối năm đầu đời đầu tiên: trẻ có độ cao trung bình là 75-79cm, tăng 50% so với lúc sinh và cuối năm thứ hai chiều cao trung bình của trẻ tăng khoảng 75% so với lúc sinh. Sự thay đổi trọng lượng và chiều cao của trẻ diễn ra một cách nhanh chóng trong 2 năm đầu đời

- Đến năm 3-4 tuổi, các sợi thần kinh và khớp thần kinh trong não bộ tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng, đặc biệt là ở thùy não trước. Trẻ bắt đầu sử dụng các dụng cụ như: kéo, bút chì, bút màu để vẽ những bức tranh đầu tiên về con người

- Đến 5-6 tuổi, não bộ đã phát triển đến 90% trọng lượng của bộ não người trưởng thành. Trẻ bắt đầu thay răng sữa

- Kiểu hoạt động chạy nhảy theo nhịp điệu đã trở nên thành thục như: nhảy chân sáo; thể hiện sự trưởng thành thông qua việc nắm bắt các hình mẫu, làm theo mẫu

- Các bức tranh vẽ của trẻ trở nên phức tạp hơn, trẻ có thể sao chép con số và các từ đơn giản

- Dường như không có triệu chứng rõ rệt của rối loạn phổ tự kỉ trong 6 tháng đầu. Tất cả các giác quan của trẻ phát triển không ngừng

+ Một dấu hiệu sớm của trẻ em rối loạn phổ tự kỉ là không cho ai đụng vào mình, nhưng một số trẻ vẫn chịu cho mặc hoặc cởi quần áo khi tắm hay chịu cho bế ẵm.

+ Tuy nhiên một số trẻ em rối loạn phổ tự kỉ không để cho thân hình thoải mái tự nhiên mà luôn căng thẳng

+ Sự căng thẳng bất an với mọi thứ xung quanh còn thể hiện ở chỗ các em không bao giờ chịu nằm hay ngồi yên trong lòng mà luôn luôn ngọ nguậy

- Sự phát triển thể chất của trẻ em rối loạn phổ tự kỉ nhìn chung không có sự bất thường. Hình thái và cấu trúc cơ thể, chiều cao và cân nặng của trẻ có sự phát triển giống như tất cả những trẻ khác.

+ Đa số trẻ em rối loạn phổ tự kỉ phát triển vận động tốt, đặc biệt là vận động thô.

VD: Bé A, 4 tuổi, thường xuyên ngã hoặc đâm sầm vào người khác khi đi do bé bị rối loạn cảm giác tiền đình

- Trẻ em rối loạn phổ tự kỉ có thói quen ăn uống thiếu cân bằng

+ Chỉ ăn 1 loại thức ăn có cùng cảm giác trong miệng: cứng, giòn, mềm, ...

+ Có một số trẻ em rối loạn phổ tự kỉ lại ăn mọi thứ như: xà phòng, giấy, ...

- Có vài lý do cho cách ăn kể trên của trẻ: trẻ có sự rập khuôn nên các em ngại thay đổi, sự quá nhạy cảm hoặc kém nhạy cảm trong vị giác. Điều này cũng ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ

VD: B có sở thích định hình về ăn. Con chỉ ăn cơm với trứng chưng cà chua và không ăn bất cứ loại thức ăn nào khác, kể cả rau trong một thời gian dài. Sự rập khuôn trong ăn uống khiến B bị táo bón nghiêm trọng. Có đợt 10 ngày em chưa đi đại tiện, mẹ phải mua thuốc thụt rửa cho em

1.2. Đặc điểm nhận thức

- Trước 6 tháng tuổi, trẻ đã có thể tham gia vào các bắt chước ngay lập tức và bắt chước có trì hoãn các biểu lộ sắc mặt của người khác.

+ Trẻ thường lặp đi lặp lại các hành vi nhằm đạt được các nhu cầu như: mút ngón tay cái, khóc khi đói bụng.

+ Trẻ em rối loạn phổ tự kỉ có thể không để ý đến sự có mặt của người khác, ngay cả khi người đó cố gắng để nhìn vào mặt trẻ và biểu lộ nét mặt để chơi với trẻ

- Từ 7-12 tháng, trẻ đã có thể tham gia vào các hành vi hoặc các ý định có định hướng và có mục đích

- Từ 13-18 tháng, trẻ đã có thể tìm hiểu thuộc tính của đối tượng bằng cách thao tác với trẻ theo những cách mới lạ.

+ Dường như trẻ em RLPTK không có động lực trong việc quan sát và bắt chước cách thao tác với đồ vật của người lớn, thường chơi rập khuôn.

- Từ 19-24 tháng, trẻ đã có thể giải quyết được các tình huống đơn giản ngay lập tức mà không phải thử đúng – sai.

+ Thời gian chú ý của trẻ cũng có nhiều tiến bộ

- Tri giác là kỹ năng quan trọng để nhận thức đối tượng. Điểm nổi bật nhất trong tri giác của trẻ RLPTK là tri giác theo kiểu bộ phận: trẻ em RLPTK thường để ý tới cái chi tiết mà không để ý tới tổng thể, vd: khi cho trẻ xem một bức tranh, trẻ sẽ tập trung vào chi tiết trong tranh thay vì quan tâm đến nội dung của bức tranh đang vẽ về chủ đề gì

- Trẻ em RLPTK thường khó khái quát hóa sự vật, sự việc, vd: trẻ có thể nhận ra hình ảnh con gà trong bức tranh của mẹ nhưng trẻ lại không nhận ra được con gà trong những bức tranh khác

- Đến năm 2 tuổi trẻ đã có nhiều tiến bộ về mặt nhận thức: trẻ linh hoạt hơn trong các trò chơi giả vờ (vd: 1 khúc gỗ có thể được chơi như một chiếc điện thoại)

- Khiếm khuyết về khả năng tưởng tượng là nét nổi bật ở những trẻ em RLPTK, kể cả những trẻ có khả năng cao, vd: khó tưởng tượng được việc xếp nhiều khúc gỗ một cách thẳng hàng sẽ tạo ra đoàn tàu

- Khi được 3-4 tuổi, trẻ chuyển từ so sánh bằng mắt sang so sánh thông qua kiểm nghiệm, kiểm tra, tìm hiểu trong mối quan hệ 2 chiều, vd: trẻ có thể kiếm tra ngọt, chua của 1 loại quả ngay khi trẻ không nhìn vào quả đó.

+ Ở trong giai đoạn này, trẻ có thể gọi tên đồ vật khi được quan sát đồ vật hoặc khi đồ vật đó không nằm trong tầm mắt của trẻ. Đặc điểm tư duy của trẻ em RLPTK thể hiện như sau:

Tư duy hình ảnh phát triển ở mức độ cao và trở thành nòng cốt của tư duy

Tư duy logic thường gặp khó khăn

Các thao tác tư duy (phân tích và tổng hợp, so sánh, trừu tượng hóa, khái quát hóa) có nhiều hạn chế

Khả năng trừu tượng hóa là 1 lĩnh vực thách thức với phần lớn trẻ em RLPTK

Trẻ em RLPTK gặp khó khăn trong việc hiểu ý nghĩa của các khái niệm

Trẻ em RLPTK thường có khả năng quan sát tốt các chi tiết, những hình ảnh cụ thể

Một đặc điểm cũng quan trọng trong tư duy của trẻ em RLPTK là sự cứng nhắc: mọi thứ cần phải được dự tính từ trước, tư duy theo kiểu đen-trắng

Khi được 4 tuổi trẻ nhận thức được rằng niềm tin và mong muốn xác định hành vi của mình.

5-6 tuổi, trẻ có sự tiến bộ rõ rệt trong khả năng phân biệt vẻ bề ngoài và bản chất bên trong của đồ vật, sự việc, khả năng tập trung chú ý tiến bộ rõ rệt

1.3. Đặc điểm ngôn ngữ

- Sự xuất hiện khả năng chú ý chung

+ Trẻ cần đạt được 3 khía cạnh phát triển để góp phần vào khả năng chú ý chung và cho phép trẻ tham gia vào các giao tiếp xã hội

Chia sẻ ý định: trẻ có thể ra hiệu hoặc có hành vi trực tiếp với người khác để thực hiện những mục đích nhất định

Chia sẻ chú ý: trẻ quan sát ánh mắt/nét mặt/cử chỉ của người chăm sóc

Chia sẻ cảm xúc: trẻ thể hiện sự hài lòng hoặc bất an với người chăm sóc, trẻ cũng hiểu được một số trạng thái cảm xúc của người khác

+ Sự kết hợp của các thành tựu trong chia sẻ chú ý, cảm xúc và các ý định tạo ra mức độ đỉnh cao của sự phát triển.

- Sử dụng biểu tượng

+ Trước khi sử dụng các từ ngữ, trẻ có được 1 số âm thanh và dấu hiệu thông thường để thể hiện ý định, mong muốn của bản thân: vẫy tay/chỉ tay để thể hiện 1 nhu cầu

+ Trong suốt năm đầu đời, trẻ thao tác 1 cách chủ động, khám phá các đặc tính của đồ vật và học hỏi việc luân phiên trong thao tác xã hội: thông thường, trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi sẽ khám phá chủ động một số đồ vật bằng việc cầm, nắm, liếm và thả rơi; trẻ được 12 tháng có thể uống nước từ chai, ăn bằng thìa, lau miệng bằng quần áo sạch

+ Sau 1 tuổi rưỡi, việc hiểu lời nói tách khỏi tình huống cụ thể được tiến bộ rõ rệt

+ Từ vựng tăng lên một cách chậm rãi và ổn định khi trẻ được khoảng 18-21 tháng tuổi.

+ Lên 2 tuổi là giai đoạn phát cảm ngôn ngữ ở trẻ, xuất hiện vốn từ tích cực nhiều hơn: trẻ không chỉ đòi hỏi biết được tên các đồ vật đó mà còn cố gắng phát ra âm để gọi được tên các đồ vật đó

+ Lên 3-4 tuổi, trẻ đã có thể chú ý hơn tới nội dung lời nói, trẻ quan tâm tới nội dung cốt truyện trong truyện tranh sẽ diễn ra như thế nào

+ Khi 5-6 tuổi, trẻ tiếp nhận các cấu trúc ngữ pháp phức tạp một cách nhanh chóng, tuy nhiên trẻ vẫn còn mắc các lỗi sai: trẻ bắt đầu biết viết tên của mình, có thể sử dụng khả năng lý giải để giải thích một hiện tượng/sự vật, …

- Ngôn ngữ tiếp nhận

+ Phần lớn trẻ có thể hiểu những hướng dẫn đơn giản, hiểu được tên gọi của những đồ vật đơn giản.

+ Quá trình xử lý thông tin thường chậm chạp, trẻ gặp khó khăn khi ai đó nói quá nhanh/quá chậm/sử dụng quá nhiều từ, đặc biệt là những từ lạ/phức tạp

+ Vốn từ của trẻ em RLPTK thường nghèo nàn, cấu trúc ngữ pháp thường bị sai dẫn đến việc gặp khó khăn khi hiểu những câu nói phức tạp, chứa đựng nhiều thông tin, trẻ sẽ dễ hiểu hơn khi được kèm hình ảnh minh họa

- Ngôn ngữ diễn đạt

Sự khiếm khuyết trong việc sử dụng ngôn ngữ được đan xen là 1 đặc điểm nhận dạng trẻ em RLPTK

+ Một số trẻ không bao giờ nói, một số trẻ chỉ phát ra những âm thanh vô nghĩa hoặc chỉ có thể bắt chước âm thanh của một số con vật, những trẻ còn lại có thể phát triển ngôn ngữ nhưng chậm hơn bình thường

+ Một số trẻ không bao giờ vượt qua được giai đoạn nhại lời, một số khác có thể chuyển sang giai đoạn tiếp theo (bắt đầu nói một số từ và cụm từ mà trẻ nghĩ ra), …

+ Ở 1 số trường hợp trẻ em RLPTK, sự phát triển ngôn ngữ có thể bị thoái lui, ban đầu có nói nhưng sau đó giảm dần và có thể mất hẳn

1.4. Đặc điểm giao tiếp xã hội

- Cảm xúc giữ 1 vai trò mạnh mẽ trong việc tạo ra các thành tựu vô cùng quan trọng, gồm: các mối quan hệ xã hội, khám phá môi trường xung quanh và khám phá bản thân

- Tương tác và giao tiếp xã hội là 1 trong những khiếm khuyết điển hình nhất thường gặp phải ở những trẻ em và cả ở những người lớn có RLPTK

+ Trẻ em RLPTK thường ít có và không duy trì được động cơ giao tiếp: trẻ không hiểu và ý thức được rằng mình có thể đạt được điều mình muốn bằng cách cười, nói hoặc sử dụng những cử chỉ giao tiếp khác, trẻ ít hoặc gần như không có nhu cầu giao tiếp

+ Khó khăn trong việc hiểu mục đích của giao tiếp cũng như các nguyên tắc trong giao tiếp: trẻ không hiểu được sự luân phiên trong giao tiếp, trẻ có thể ôm ghì người khác khi muốn thứ gì đó hoặc tự đánh vào đầu mình khi muốn ăn gì đó

+ Khó khăn trong việc đoán, hiểu và sử dụng các dấu hiệu ngôn ngữ không lời và ngôn ngữ cơ thể (nét mặt, giọng nói, cử chỉ, ...)

+ Phản ứng bất thường với kích thích cảm giác mới (mùi vị, âm thanh, …), vd: trẻ có thể hét lớn hoặc chạy trốn đi bị đưa vào nơi quá ồn ào

+ Gặp khó khăn trong các tương tác xã hội cơ bản: thờ ơ với người và vật xung quanh, khó khăn trong việc chơi và tương tác hay việc hiểu và diễn tả cảm xúc, …

+ Khó khăn trong các xây dựng, duy trì, phát triển quan hệ liên cá nhân, liên hệ mang tính xã hội, vd: trẻ thích chơi một mình, tỏ ra không quan tâm đến người khác, không quan tâm đến việc chia sẻ buồn vui, …

+ Thiếu sự tiếp xúc bằng mắt, không đáp lại lời của cha mẹ, đôi khi lại tương tác theo một cách kỳ quặc: liếm/ngửi chân tay của người mà trẻ bắt đầu tiếp xúc

-  Một số nhóm đặc điểm về tương tác xã hội:

+ Nhóm tách biệt: là nhóm phổ biến nhất ở trẻ em RLPTK, thường tiếp tục kéo dài cho đến hết cuộc đời, một số ít có những dấu hiệu cải thiện khi lớn lên. Biểu hiện: trẻ không đến gần khi được gọi, không phản ứng khi ai đó nói với trẻ hoặc đẩy người đó ra khi bị chạm vào, …

+ Nhóm thụ động: trẻ không chủ động trong tương tác xã hội, trẻ thường ít có những vấn đề về hành vi, thường được xem là hiền lành tuy nhiên sự thay đổi này có thể xuất hiện khi bước vào tuổi thanh niên

+ Nhóm chủ động nhưng kỳ quặc: trẻ có thể có những hoạt động tương tác với người khác nhưng không phù hợp vì trẻ không để ý đến cảm giác và nhu cầu của người khác, vd: trẻ ôm người khác nhưng quá chặt, trẻ nhìn chằm chằm vào người khác quá lâu, …

1.5. Đặc điểm hành vi

- Trẻ em RLPTK có biểu hiện của nhiều dạng hành vi không phù hợp như: rập khuôn, tự kích thích, cáu giận, … Trong đó hành vi rập khuôn, tự kích thích là 2 dạng hành vi điển hình.

- Các biệt tài thông thường là khả năng thị giác, tính toán, viết, ghi nhớ âm nhạc và đọc. Căn nguyên của các biệt tài này còn chưa được biết đến. Cha mẹ nên phát hiện ra các biệt tài này của trẻ. Tuy nhiên, đa số biệt tài này đều không giúp cho trẻ đạt được mức độ phát triển chức năng ở những kỹ năng bị suy giảm

2. Đưa ra quyết định với các vấn đề của trẻ nhỏ có rối loạn phổ tự kỉ

- Giáo viên giữ vai trò quan trọng trong việc phát hiện các dấu hiệu cảnh báo sớm của RLPTK

- Các vấn đề giáo viên cần lưu ý

+ Giám sát sự phát triển của trẻ: lưu ý khi nhận thấy trẻ không đạt được các mốc phát triển bình thường

+ Hãy hành động nếu thấy lo lắng: nếu trẻ không đạt được các mốc phát triển đúng với độ tuổi của trẻ hoặc thấy nghi ngờ 1 vấn đề nào đó hãy chia sẻ với cha mẹ trẻ để trẻ được khám nhi khoa và có một bản đánh giá chính thức

+ Không chấp nhận chờ đợi và cân nhắc cách tiếp cận: không nên chờ đợi vì có thể làm mất quãng thời gian quý báu ở độ tuổi mà trẻ có cơ hội tốt nhất để cải thiện tình hình

+ Chẩn đoán, đánh giá và lập kế hoạch can thiệp: có thể tư vấn cho phụ huynh đưa con đến cơ sở uy tín để đánh giá cho trẻ sau đó lập kế hoạch can thiệp dựa theo khó khăn, vấn đề trẻ đang gặp

3. Hỗ trợ các vấn đề chính của trẻ em rối loạn phổ tự kỉ thời kì ấu thơ

- Ở thời kì ấu thơ, giải quyết những khó khăn của trẻ em RLPTK tập trung vào các vấn đề sau

+ Hỗ trợ vấn đề ăn uống

Trẻ em có RLPTK chỉ có thể ăn được 1 hoặc một số loại thức ăn loãng, chỉ ăn ở 1 chỗ nhất định. Để đảm bảo cho sự phát triển, có 1 số cách để áp dụng:

Tìm những món ăn tương tự như món trẻ thích và cho ăn thử

Thay đổi từng chút bằng cách thêm dần và thêm đều đặn

Tập ăn nhiều loại hương vị

Trộn chung các món với nhau

Làm cho giờ ăn trở nên vui vẻ

+ Hỗ trợ vấn đề giấc ngủ

Trẻ em RLPTK có thể ăn vạ khi được yêu cầu đi ngủ, khó ngủ, ngủ ít, …Có 1 số giải pháp sau:

Tìm 1 giờ cố định cho trẻ đi ngủ và tuân thủ theo giờ này

Hãy đặt giường ngủ ở nơi không có kích thích

Hạn chế cho trẻ ngủ nhiều vào ban ngày

Phớt lờ khi trẻ cố ý ăn vạ khi được yêu cầu đi ngủ, nhưng nhớ đảm bảo trẻ được an toàn

Nếu vấn đề vẫn tiếp tục tiếp diễn, hãy cân nhắc sự hỗ trợ của bác sĩ, nhân viên công tác xã hội

+ Hỗ trợ vấn đề vệ sinh

Trẻ em RLPTK có thể quá nhạy cảm về thính giác nên sợ nghe tiếng nước chảy ở bồn cầu dẫn đến không thích đi vệ sinh trong nhà vệ sinh. GV cần làm là:

Quan sát và ghi chép thói quen đi vệ sinh của trẻ và cho trẻ đi tiểu theo giờ

Cố gắng quan sát để biết các biểu hiện của trẻ trước khi muốn đi vệ sinh

Cho trẻ ngồi bô ở xa nhà vệ sinh để trẻ không phải nghe tiếng nước chảy

Đừng la lối hay mắng trẻ khi trẻ đi tiểu không đúng chỗ

Khen trẻ nếu trẻ biết đi vệ sinh đúng cách

+  Hỗ trợ sự phát triển ngôn ngữ và giao tiếp

Ở thời kì ấu thơ, ngôn ngữ và giao tiếp là vấn đề được cha mẹ quan tâm hàng đầu. Một số chiến lược chung can thiệp ngôn ngữ và giao tiếp cho trẻ RLPT thời kì ấu thơ:

Bắt chước lời nói đúng của trẻ

Giữ ngang tầm với trẻ khi giao tiếp

Nói và giao tiếp hợp với trình độ của trẻ

Nói ít đi và chậm lại

Làm cho giờ học ngôn ngữ thật vui nhộn

Mở rộng vốn từ cho trẻ mọi lúc mọi nơi

+ Hỗ trợ phát triển tương tác xã hội

Trực quan bằng hình ảnh: Sử dụng tranh ảnh minh họa cho các kĩ năng, vd: kỹ năng đánh răng, mặc quần áo

Video làm mẫu: cho trẻ xem video của một người nào đó làm mẫu hoặc diễn tả một hành vi, một kỹ năng, sau đó cho trẻ bắt chước những gì đã quan sát được, vd: kỹ năng tưới cây

Câu chuyện xã hội: là 1 câu chuyện trong đó mô tả các tình huống, một kĩ năng, một khái niệm được thể hiện theo hình thức xác định…, vd: câu chuyện xã hội chơi cầu trượt sẽ dạy trẻ cách chơi, nhấn mạnh cách chờ đợi

Thực hành trong thực tế: tận dụng các tình huống hằng ngày để dạy trẻ các tương tác xã hội phù hợp, vd: dạy trẻ chào khi đi học, khi về, khi nhà có khách

- Quản lý hành vi.

Một số biện pháp quản lý hành vi:

Thay đổi môi trường lớp học: điều chỉnh theo nhu cầu của trẻ, việc sắp xếp và bố trí phòng học, đường đi lối lại

Tăng khả năng dự đoán: tạo lịch ngày, chuẩn bị tâm thế cho trẻ với những thay đổi để giảm thiểu lo âu, báo trước cho trẻ khi có sự chuyển tiếp (môi trường, hoạt động)

Tăng khả năng lựa chọn: trao quyền cho trẻ, giảm cảm giác bất lực ở trẻ

Điều chỉnh chương trình: điều chỉnh độ khó, độ dài, nhịp độ của hoạt động sẽ làm trẻ tăng động lực và giảm hành vi

Khuyến khích hành vi tích cực: cần củng cố những hành vi tích cực ở trẻ, xác định những phần thưởng phù hợp cho trẻ trong từng giai đoạn

Dạy các kĩ năng thay thế: dạy trẻ những phản ứng thay thế phù hợp để giảm thiểu hành vi không phù hợp

 

Bài viết được tóm tắt từ sách Nguyễn Xuân Hải, Nguyễn Nữ Tâm An, Hoàng Văn Tiến, Trần Văn Công, Hồ Thị Huyền Thương, Đỗ Thị Thảo, Nguyễn Thị Hoa, Hoàng Thị Lệ Quyên, Phan Thiệu Xuân Giang (2019), Hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỉ tại Việt Nam (Tài liệu dành cho cán bộ và kỹ thuật viên can thiệp), Nhà xuất bản ĐHQGHN. ISBN: 978-604-968-134-9

Người tóm tắt cô Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Cán bộ trị liệu Trung tâm Hừng Đông

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin đã đăng