Gen Z – Thế hệ công nghệ số và những thách thức cần được quan tâm

Ngày 16-5-2025

Gen Z – Thế hệ công nghệ số và những thách thức cần được quan tâm

1. Giới thiệu về Gen Z
Trong những năm gần đây, cụm từ “Gen Z” ngày càng được nhắc đến nhiều trên toàn cầu. Đây là thế hệ sinh lớn lên trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, với sự hiện diện đầy đủ của internet, mạng xã hội và các thiết bị kỹ thuật số. Khác với các thế hệ trước, "Gen Z" có cách tiếp nhận thông tin, giao tiếp và hình thành quan điểm sống rất riêng – nhanh nhạy, linh hoạt và chịu ảnh hưởng sâu sắc từ môi trường số.

2. Gen Z – Công dân số bẩm sinh
Thuật ngữ “Gen Z” được sử dụng phổ biết vào khoảng năm 2000, dùng để chỉ những cá nhân sinh từ năm 1997 đến 2012. Khác với các thế hệ trước như Baby Boomers hay Gen X – những người lớn lên bên điện thoại bàn và thư viện, "Gen Z" được xem là “công dân số bẩm sinh”, khi công nghệ và mạng xã hội như: Google, YouTube, Facebook, TikTok…đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống.
Chính vì vậy, họ còn được gọi bằng nhiều cái tên khác như IGeneration, Gen-Tech hay Centennials, để phản ánh lên bản chất công nghệ số vốn có của toàn cầu. Theo thống kê của Liên Hợp Quốc (2019), Gen Z chiếm khoảng 2,6 tỷ người trên toàn thế giới, tương đương 32% dân số toàn cầu. Do đó, họ trở thành bộ phận công dân quan trọng, đồng thời đóng vai trò ngày càng lớn trong tiêu dùng, sáng tạo nội dung và định hình các xu hướng văn hóa – xã hội – kinh tế hiện nay.

3. Tác động của công nghệ đến nhận thức của Gen z
Một trong những điểm nổi bật ở "Gen Z" so với các thế hệ trước là sự phát triển nhận thức chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ việc tiếp xúc sớm và liên tục với công nghệ. Nhiều nghiên cứu cho thấy não bộ của "Gen Z" đã được cấu trúc lại để thích nghi với môi trường số hóa. Theo O. Houdé, vùng vỏ não trước trán đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các phản ứng tự động và thúc đẩy tư duy phản biện. Thông thường ở người trẻ, quá trình này phát triển mạnh trong suốt thời thơ ấu và kéo dài đến tuổi vị thành niên. Tuy nhiên, với "Gen Z", việc tiếp cận thường xuyên với dòng thông tin nhanh, ngắn và liên tục từ internet, mạng xã hội và các nền tảng tìm kiếm như Google hay ChatGPT lại có thể làm suy giảm chức năng này.
Cụ thể là, thay vì cần thời gian để tìm hiểu và phân tích chuyên sâu như thế hệ trước, họ dễ dàng tiếp cận thông tin chỉ qua vài cú nhấp chuột. Sự tiện lợi này giúp "Gen Z" tăng tốc độ xử lý và phản xạ thông tin, nhưng đồng thời cũng có nguy cơ làm yếu đi khả năng kiểm chứng, tư duy độc lập và tự chủ trong nhận định.

4. Gen Z và thói quen làm việc đa nhiệm
"Gen Z" là thế hệ làm việc đa nhiệm. Họ có thể vừa xem phim, vừa nhắn tin, lướt mạng xã hội, thậm chí xử lý nhiều dòng thông tin từ các nền tảng khác nhau cùng lúc. Thói quen này không chỉ định hình cách họ giải trí, mà còn ảnh hưởng đến cách họ học tập và tương tác xã hội.
TikTok là minh họa tiêu biểu cho kiểu tư duy này – một nền tảng cho phép "Gen Z" chuyển đổi nhanh giữa các loại nội dung chỉ trong vài phút, từ chính trị, đời sống đến giải trí và tiêu dùng. Việc liên tục xử lý thông tin ngắn, nhanh giúp "Gen Z" linh hoạt và nhạy bén hơn, nhưng cũng khiến họ gặp khó khăn khi phải duy trì sự tập trung trong thời gian dài, đặc biệt với các nội dung cần phân tích sâu và tiếp cận chậm rãi.

5. Tự chủ, cá tính và khát khao sự khác biệt
So với các thế hệ trước, vốn có xu hướng gắn bó với sự ổn định, "Gen Z" thể hiện rõ sự tự chủ và độc lập trong cuộc sống. Thế hệ này thường tìm kiếm những cơ hội khởi nghiệp và tự tạo dựng con đường sự nghiệp riêng, thay vì chỉ tiếp nối những công việc đã được định sẵn hoặc công việc trong nhà nước. Họ ưa chuộng sự sáng tạo và tự do trong việc lựa chọn nghề nghiệp, muốn kiểm soát được con đường tương lai của mình hơn là theo đuổi những con đường sự nghiệp ít sự đổi mới, sáng tạo và linh hoạt. Bên cạnh đó, "Gen Z" cũng rất chú trọng đến việc thể hiện bản thân và không ngần ngại bày tỏ quan điểm cá nhân, dù có thể sẽ khác biệt so với chuẩn mực xã hội. Vậy nên, thế hệ này không chỉ tôn trọng mà còn khao khát sự đa dạng về văn hóa, giới tính và lối sống. Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội đã giúp họ kết nối với cộng đồng toàn cầu, từ đó mở rộng tầm nhìn và phát triển một tư duy cởi mở, không ngừng học hỏi từ sự khác biệt văn hóa trên thế giới.
 
6. Dưới góc nhìn của Chuyên gia Tâm lý và thách thức về sức khỏa tâm thần
"Gen Z" là thế hệ trẻ với tiềm năng to lớn, sự năng động và khả năng sáng tạo vượt trội. Tuy nhiên, để thế hệ này có thể phát triển một cách lành mạnh và bền vững, cần có sự quan tâm và hỗ trợ đúng mực từ gia đình, nhà trường và xã hội. Hiện nay, với sự gia tăng lo âu, trầm cảm và các vấn đề sức khỏe tâm thần, "Gen Z" đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có. Do đó, thay vì đánh giá "Gen Z" qua những chuẩn mực cũ, chúng ta cần mở lòng lắng nghe và thấu hiểu họ. Việc tạo ra một môi trường hỗ trợ, đồng hành và khuyến khích họ phát huy những thế mạnh cá nhân sẽ giúp họ vượt qua khó khăn và thích ứng tốt hơn với một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.
 
Tác giả
Chuyên viên kỹ năng xã hội
Nguyễn Hà Minh

Chịu trách nhiệm nội dung
ThS Vũ Văn Thuấn
 
  1. Dolot, A. (2018). The characteristics of Generation Z. E-mentor, 74(2), 44-50.
  2. Francis, T., & Hoefel, F. (2018). True Gen’: Generation Z and its implications for companies. McKinsey & Company, 12(2).
  3. Hopke, T. (2024, August 19). The Empathy Revolution: Navigating Gen Z emotions in the workplace. Talking Talent. https://talking-talent.com/insights/latest-thinking/the-empathy-revolution-navigating-gen-z-emotions-in-the-workplace/
  4. Rothman, D. (2016, October). A Tsunami of learners called Generation Z.
  5. Scientific News - Does today’s youth have a different brain? | HAPPYneuron. (n.d.). https://www.happy-neuron.com/scientific-news/does-today-s-youth-have-a-different-brain

Tin đã đăng