Dạy kỹ năng thiết lập tình bạn tuổi thanh thiếu niên

Ngày 29-8-2020
Tình bạn là một mối quan hệ không thể thiếu trong mỗi chúng ta tại mỗi thời điểm của cuộc đời. Ở mỗi lứa tuổi khác nhau, “tình bạn” lại mang trong mình những đặc điểm và vai trò khác nhau.

Tình bạn là một mối quan hệ không thể thiếu trong mỗi chúng ta tại mỗi thời điểm của cuộc đời. Ở mỗi lứa tuổi khác nhau, “tình bạn” lại mang trong mình những đặc điểm và vai trò khác nhau. Đối với lứa tuổi học sinh trung học phổ thông (THPT), tình bạn được phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Có một tình bạn thân thiết, chân thành sẽ giúp các em học được cách nhận xét, tự đánh giá bản thân mình tích cực hay ngược lại.

 Khi thiết lập và có được tình bạn cho bản thân mình, các em được tham gia vào các hoạt động của tập thể, được vui chơi, trải nghiệm và thể hiện bản thân mình. Từ đó, các em thấy được vị trí, trách nhiệm của mình trong tập thể. Do đó, nhu cầu được kết bạn ở các em lứa tuổi THPT là vô cùng lớn. Đặc biệt đối với các em đặc biệt như rối loạn phát triển như rối loạn giao tiếp xã hội, rối loạn phổ tự kỷ,…thì nhu cầu này được thể hiện rất rõ nét, thậm chí có thể nói là các em “khao khát” muốn có bạn. Tuy nhiên, do có những rào cản về việc giao tiếp, các em chưa biết cách là quen và tạo được mối quan hệ bạn bè cho mình; nên thường hành động theo bản năng hoặc thiếu kỹ năng. Có những tình huống nếu quan sát có thể thấy các em như đang thu mình lại trong “vỏ bọc”của bản thân. Chính vì vậy, các em thường xuyên phải nghe những lời phán xét “là kẻ lập dị”;  kẻ “có vấn đề” từ các bạn đồng trang lứa. Điều đó đã ảnh hưởng vô cùng lớn đối với tâm lý của các em và có thể có nguy cơ gặp các vấn đề về trầm cảm, lo âu khi lớn hơn.

Ý thức được tầm quan trọng của mối quan hệ bạn bè đối với thanh thiếu niên, cũng như nhận thấy những khó khăn nhất định của từng học sinh trong việc kết bạn ở trên lớp cũng như ở môi trường sống. Trung tâm Hừng Đông hướng tới cung cấp các kỹ nănng giao tiếp xã hội cho các lứa tuổi của trẻ. Đặc biệt lớp kỹ năng xã hội – 3C (HĐ-3C), với đặc điểm lớp gồm các bạn nằm trong độ tuổi từ 13 đến 16 tuổi. Nội dung kỹ năng hướng tới “kỹ năng thiết lập tình bạn” dưới sự hướng dẫn của thầy cô tại lớp kỹ năng. Đây được đánh giá là kỹ năng vô cùng quan trọng và cấp thiết đối với các em trong giai đoạn này.

Xuất phát từ mục tiêu xây dựng lớp học tích cực, chủ động, sáng tạo, tôn trọng và thấu hiểu; trong các buổi học, các em được trải qua rất nhiều các cung bậc cảm xúc với những hoạt động đa dạng, tươi mới, phù hợp với khả năng của các em. Với mong muốn, thông qua các buổi học về kỹ năng này, các em có thể nắm được bản chất cũng như tầm quan trọng của việc thiết lập mối quan hệ với bạn bè cũng như biết một số cách thức trong việc kết bạn. Cụ thể như sau:

Bước 1: Đặt vấn đề

Giáo viên đặt ra các câu hỏi liên quan đến “tình bạn” như: em có những người bạn nào? Vì sao em lại quen người bạn đó? Kỷ niệm của em với bạn? Điều này giúp cho các em có sự liên tưởng lại người bạn của mình; từ đó có sự đối chiếu, dễ hình dung hơn về kỹ năng được học. Cách vào bài này, giúp cho các em có sự khởi động về tư duy một cách nhẹ nhàng, thoải mái. Đồng thời, thông qua những câu hỏi, giáo viên có thể nắm sơ qua về các mối quan hệ của học sinh cũng như những khó khăn mà các em đang gặp phải. Từ đó, có những hướng đi sát hơn đối với vấn đề của các em đang gặp phải

Bước 2: Giới thiệu về kỹ năng

Trong bước này, người giáo viên sẽ giới thiệu khái quát nội dung sẽ học về kỹ năng mới, bao gồm: tên kỹ năng, kỹ năng thiết lập mối quan hệ được hiểu như thế nào? Vì sao cần phải học kỹ năng này? Để thực hiện được kỹ năng này, tôi cần thực hiện những việc gì? Những điều nên làm và không nên làm khi thực hành kỹ năng?

Bước 3: Gíao viên tổ chức trò chơi “Giác quan thứ 6”

Mục đích của trò chơi này là giúp các em biết cách ghi nhớ những thông tin cơ bản của một người bạn của mình. Trò chơi này được tiến hành như sau: một bạn sẽ được bịt mắt lạ và đi tìm bất kỳ 1 người trong lớp và đoán người đó là ai. Để có thể chơi tốt, đòi hỏi các em phải ghi nhớ được tên, đặc điểm ngoại hình,... của người bạn đó. Đây chính là những thông tin hết sức quan trọng khi chúng ta muốn “Làm quen” với một người bạn nào đó. Có thể nói “làm quen chính là bước đầu tiên khi tiến hành thiết lập mối quan hệ với bạn bè của mình.

Bước 4: Học sinh chia sẻ

Trong bước này, học sinh được thoải mái chia sẻ những cách mà bản thân đã thành công trong việc “làm quen” với một người bạn bất kỳ của mình. Đồng thời, các bạn chia sẻ những lưu ý khi muốn tiếp cận và “làm quen” để các bạn trong lớp được học hỏi kinh nghiệm cũng như đối chiếu được với cách thức của bản thân mình, từ đó có những chỉnh sửa cho phù hợp mà không lo sợ sẽ bị bạn bè, thầy cô phê phán.

Bước 5: Kết thân

Sau bước “làm quen” được một người bạn, các em cần biết cách kết thân với người bạn đó. Để các em có thể hiểu rõ hơn về bước “kết thân”. Giáo viên tiến hành tổ chức trò chơi “kết chùm” cho tất cả học sinh và thầy cô cùng tham gia. Để tham gia trò chơi này, các em cần thực hiện theo mệnh lệnh của người quản trò và nhanh chóng tìm người bạn bất kỳ để ghép cặp cho phù hợp với mệnh lệnh. Khi được trải nghiệm trò chơi, các em có sự phối hợp và thoải mái với các bạn trong lớp hơn. Qua đó các em thấy được rằng muốn “kết thân” với người bạn của mình, các em cần có sự chủ động, chấp nhận và tạo cơ hội với người bạn của mình.

Bước 6: Duy trì

Khi có được một người bạn, các em cần biết cách duy trì tình bạn đó của mình. Nhằm giúp cho học sinh dễ hình dung hơn về việc “duy trì” một tình bạn, các em tiếp tục được trải nghiệm thông qua trò chơi “tìm đường”. Trong trò chơi này, các em được chia theo cặp, 1 người bịt mắt và một người chỉ đường để mang bóng về cho đội. Thông qua trò chơi này, các em tự rút ra cho bản thân kinh nghiệm về việc duy trì tình bạn đó là cần phải có sự tin tưởng, lắng nghe, tôn trọng lẫn nhau. Sau đó, gíao viên lắng nghe những quan điểm của các bạn, tổng hợp và chốt lại vấn đề giúp học sinh

Thông qua những hoạt động trên, các em lớp HĐ - 3C được tiếp thu và hình thành kỹ năng một cách tự nhiên, không gò ép theo một khuôn khổ nhất định mà được theo chính những góc nhìn của các em về kỹ năng này. Điều đó, giúp cho các em hình thành nên suy nghĩ phân tích, so sánh, đối chiếu để từ đó có những lựa chọn cách thức phù hợp với bản thân mình nhất.

Có thể nói, muốn hình thành một kỹ năng nào đó cho người học luôn là việc khó. Nếu chỉ dừng lại ở việc học và thực hành kỹ năng trong các tình huống giả định cũng như những trò chơi được đặt ra trong khi học thì chưa thể đảm bảo người học sẽ có kỹ năng bền vững. Do đó, việc học các kỹ năng đòi hỏi người học luôn có ý thức vận dụng cũng như giáo viên cố gắng nhắc nhở, củng cố kỹ năng cho học sinh ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh.

Bài viết của cô Đặng Thu Thủy, Giáo viên lớp kỹ năng xã hội 

tại Trung tâm Hừng Đông

Tin liên quan

Tin đã đăng